Ông Jesper Morch, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
(UNICEF) tại Việt Nam nói: “Thực thi quy định đội mũ bảo hiểm của Việt Nam thể
hiện cam kết nghiêm túc của Chính phủ về việc bảo vệ tính mạng và phòng ngừa
thương tích nghiêm trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ con em mình. Mũ bảo hiểm dành cho trẻ em được bán rộng
rãi trên thị trường, và thực tế cho thấy mũ bảo hiểm đã góp phần giảm hẳn tỷ lệ
bị chấn thương sọ não do tai nạn gây ra”.
Các ông bố, bà mẹ nên sử dụng các phương tiện giao
thông khác cho trẻ sơ sinh vì các em còn quá bé không thể đội mũ bảo hiểm được.
Đối với những trẻ em không có loại mũ bảo hiểm phù hợp cũng nên sử dụng các
phương tiện giao thông khác.
Tai nạn xe máy là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử
vong ở Việt Nam. Chỉ tính riêng năm ngoái, tai nạn giao thông đã cướp đi tính mạng
của 12.800 người và gây thương tích cho 10.266 người khác. Đặc biệt đáng lưu ý
là thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm gần 40% trong tổng số trường
hợp thương tích nghiêm trọng do tai nạn giao thông gây ra. Trong năm 2007, Bệnh
viện Việt Đức - bệnh viện đứng đầu trong việc xử lý các ca tai nạn giao thông tại
Hà Nội - đã điều trị cho 1.637 trẻ em dưới 15 tuổi, tức là trung bình mỗi tháng
có tới 136 em phải nhập viện do tai nạn giao thông.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc đội mũ bảo hiểm
phù hợp về kích cỡ một cách thường xuyên và đúng cách có thể giảm nguy cơ và mức
độ thương tích ở đầu tới khoảng 72% cũng như giảm xác suất tử vong tới 39%.
TS. Jean Marc Olivé, Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng:
“Cha mẹ phải có trách nhiệm luôn đội mũ bảo hiểm phù hợp cho con em mình khi đi
xe máy”.
Để nâng cao mức độ an toàn giao thông đường bộ, Việt
Nam đã ban hành Luật Giao thông ngày 15 tháng 12 năm 2007, quy định tất cả những
người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề ra tiêu
chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm dành cho trẻ em tại Việt Nam, trong đó có quy định
hạn chế trọng lượng của mũ và yêu cầu về độ bền của vật liệu được sử dụng để
làm mũ.
TS. Olivé nói thêm: “Các bậc cha mẹ cần biết rằng
không có bằng chứng nào cho thấy việc đội mũ bảo hiểm đúng cách gây tổn thương ở
cổ. Trên thực tế, đội mũ bảo hiểm chất lượng cao và thắt quai đúng quy cách là
biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu thương tích ở đầu và tử vong vì chấn
thương sọ não do tai nạn xe máy, xe đạp gây ra”.
Sau một tháng thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm
trên phạm vi toàn quốc, Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội cho biết số ca chấn
thương sọ não nghiêm trọng nhập viện giảm 24% so với tháng trước đó, và con số
này ở Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP Hồ Chí Minh đã giảm 20%.
TS. Nguyễn Trọng An, là bác sĩ nhi khoa và Phó Vụ
trưởng Vụ Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói: “Tất
cả các bậc phụ huynh và giáo viên phải tôn trọng và thực thi quy định đội mũ bảo
hiểm được áp dụng cho mọi người điều khiển xe máy và ngồi sau xe máy không trừ
một ai. Người lớn chúng ta phải dạy cho con em mình hành động có ý thức cũng
như phải làm bất cứ việc gì có thể để bảo vệ các em khỏi bị thương tích và tử
vong”.
WHO và UNICEF kêu gọi các bậc phụ huynh và các thầy
cô giáo nghiêm chỉnh thi hành quy định đội mũ bảo hiểm và dạy bảo các em học
sinh về lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm đối với sức khỏe con người.
Với những chia sẻ trên đây mà công ty sản xuất mũ bảo hiểm CSC tổng hợp được
hy vọng sẽ giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm trẻ em
cho bé khi ngồi sau xe mô tô hay xe gắn máy. Hãy chấp hành nghiêm các quy định
để bảo toàn tính mạng cho các bé và người thân.